Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển, khoa học công nghệ và chuyển đổi số lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay trong chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp công nghệ Việt bứt phá, làm chủ các công nghệ chiến lược, tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ và khai thác thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng và vươn mình ra thế giới.
Việt Nam có thể vươn lên chiếm lĩnh “khoảng trống” của thị trường toàn cầu
Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, Vươn mình”, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày 27/5.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, nơi khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt của tăng trưởng. Theo ông Khoa, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, một bước khởi đầu quan trọng, có thể gọi là "bà đỡ" cho sự phát triển của doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, phát biểu tại Vietnam – Asia DX Summit 2025.
Nhiều chuyên gia tham dự diễn đàn cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế bằng tinh thần làm chủ công nghệ, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp trí tuệ Việt Nam, và không ngừng đổi mới để vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Với nền tảng là nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt cùng khát vọng hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt đang trở thành lực lượng tiên phong trong kiến tạo tương lai số, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 50% GDP vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 57.
Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025).
Chiến lược làm chủ công nghệ, trước hết là AI
Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực đầu tàu tăng trưởng kinh tế số. Theo báo cáo của IDC, khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào chuyển đổi số vào năm 2025. Các quốc gia trong khu vực châu Á đang ưu tiên một số công nghệ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số như AI, công nghệ xanh và thông minh, 5G và hạ tầng mạng, Blockchain. Việt Nam hiện sở hữu hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ phục vụ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghệ chiến lược để từ đó đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ các công nghệ. Một số nhóm các công nghệ chiến lược đang được chú trọng nghiên cứu và phát triển hiện nay bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu (Data Science); Internet vạn vật (IoT); Mạng di động 5G, 6G; Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); an ninh mạng (Cybersecurity), chip, bán dẫn, robot...
Theo các chuyên gia, khát vọng làm chủ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam gặp đúng "thời điểm vàng" khi thị trường chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ trong nước bùng nổ mạnh mẽ, mở ra không gian phát triển rất lớn. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% (2021) lên gần 70% (2024), chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4. Kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2024, hướng tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhu cầu là rất lớn và cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, Số hóa quy trình và dịch vụ công: Mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, phát triển hạ tầng số cho các ngành…
Trong khi đó, thị trường chuyển đổi số doanh nghiệp dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới với những chính sách ưu đãi đột phá về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ từ chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam, dự kiến đạt trên 20%/năm - chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển mình của khối doanh nghiệp.
Hiện chiến lược phát triển của Việt Nam hiện dựa trên 4 trụ cột, gắn liền với 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, bao gồm:
- Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;
- Nghị quyết 59 về đổi mới hoạt động đối ngoại trong tình hình mới;
- Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật;
- Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Với các chiến lược trên, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp công nghệ Việt bứt phá, làm chủ các công nghệ chiến lược, tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ và khai thác thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng và vươn mình ra thế giới.
Theo VnEconomy